Mô tả sản phẩm
Nghệ thuật thư pháp Việt
Nét chữ trở thành một nét đẹp khi con người ta thả hồn, trao tâm mình ở nét chữ để làm lộ ra tính cách – Khi đó nét chữ trở thành nghệ thuật. Đó là nghệ thuật Thư pháp.
Nghệ thuật Thư pháp bắt nguồn từ Trung Quốc và Ả Rập, một số nước ảnh hưởng: Nhật Bản, Hàn Quốc, ViệtNam. Nghệ thuật Thư pháp được thể hiện bằng chữ Hán, sử dụng bút lông, mực tàu, giấy và nghiên mài mực hay còn gọi là “văn phong tứ bảo”. Với người Trung Hoa đã đưa nghệ thuật viết chữ đẹp thành một môn nghệ thuật, cao quý có tính chất phô diễn, mang khí phách của con người, và thêm vào đó là cá tích của người cầm bút. Ở Nhật bản người ta gọi nghệ thuật viết chữ đẹp là Thư đạo, ở Hàn Quốc người ta gọi là Nghệ thư, ở ViệtNamgọi là Thư pháp.
Ở nước ta, nghệ thuật thư pháp phát triển khá sớm. Nghệ thuật Thư pháp tiếng Việt được đánh dấu từ những năm 50 – 60 của thế kỷ XX. Khởi động cho phong trào này là nhà Thư pháp Nam Giang, tức Lương Quang Huyễn sinh năm 1930 tại Quế Sơn. Gần 50 năm làm thơ và chơi thư pháp, tuy lặng lẽ và rất dè dặt, nhưng chính cuộc sống giản dị đã giúp ông thành công trong thú chơi tao nhã này.
Nhìn vào nét chữ mọi người có thể biết được nhiều điều. Nét chữ nói lên “cái tài”, “cái tâm”và “tính cách” của người viết.Từ ngàn đời xưa ông cha ta luôn tôn trọng nhân tài, hiền tài là “nguyên khí” của quốc gia. Những người đi thi Hương, thi Hội, thi Đình đều là những người có tài về văn chương, thơ, phú, ngoài võ họ còn trang bị cho mình một nét chữ “phượng múa rồng bay” thể hiện cái tài của sĩ tử ngày xưa.
Khi đọc xong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân ta không chỉ được nghe người khắp vùng nói về Huấn Cao có tài, nhưng tài “viết chữ đẹp” được nhắc đến nhiều hơn cả. Nhìn chữ của Huấn Cao ta thấy được nét dân tộc thầm kín nhưng vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt, chữ viết thiêng liêng, cao quý như thế nào khi thầy Thơ lại và viên Quản ngục khúm núm khi bưng nghiêng mực và cầm trên tay những con chữ từ một người tử tù. Cảnh tượng cho chữ ở trong ngục tối tăm đã trở thành một “cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy”. Cái tài viết chữ đẹp đã cảm hoá được viên quan quản ngục, thầy thơ lại hướng họ đến cái đẹp.
Huấn Cao là một hạt bụi vàng đã gửi hồn mình vào nét chữ và gửi sự sống vào viên quan Quản ngục đam mê cái đẹp, cái tài, cái thiên lương, trong sáng.Một nét văn hoá đẹp – Nghệ thuật Thư pháp
Nét chữ thể hiện “cái tâm”của người cầm bút. Chúng ta vẫn không quên hình ảnh ông đồ trong mỗi độ tết đến xuân về. Hình ảnh ông Đồ xuất hiện để cho chữ mọi người – nét chữ sang trọng, có hồn và được treo gian giữa của ngôi nhà. Cái tài, cái tâm của ông Đồ già muốn gửi gắm. Chỉ có những người có tâm sáng mới cho ra những nét bút tài hoa. Qua nét chữ, có thể đoán được tính cách của mỗi con người. Nên khi thể hiện chữ viết cũng cần sự tập trung để mỗi câu chữ là một lời tâm sự, sự trải lòng mình.
“Hoa tay thảo những né
Như phượng múa rồng bay”
(Vũ Đình Liên)
Ông cha ta có câu “nét chữ – nết người”. Nét chữ góp phần quan trọng tạo nên tính cách, tính nết, cá tính của con người. Con người có điềm tĩnh thì mới luyện nên những nét chữ đẹp, những người cẩu thả, nét chữ vội vàng, thiếu sự kiên nhẫn, hay những người viết chữ xấu lại đổi tội cho thói quen…
“Ôi chữ đẹp không như bộ quần áo đẹp
Mà là tâm hồn con người làm gương mặt đẹp thôi”
Ấy thế mà, giờ đây nét chữ không còn quan trọng với nhiều người. Mấy năm nay hình ảnh ông Đồ đã vắng bóng, thú chơi chữ ngày tết không còn nhiều. Mọi người đều bận rộn với những công việc ngày thường của cuộc sống mưu sinh họ quên đi thứ vui tao nhã ngày thường, quên đi một nét văn hoá đẹp – xin chữ ngày tết.
“Năm năm hoa đào nở
Không thấy ông Đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
(Vũ Đình Liên)
“Hồn” của con chữ đẹp ở đâu bây giờ? “Hồn” của của nghệ thuật Thư pháp phải chăng đã bị cuốn theo chiều gió – cuốn đi tất cả những gì mà một thời ta tôn thờ.
Xã hội ngày càng phát triển, những lớp học về luyện viết chữ đẹp đã được ra đời, nhưng không được nhiều người hưởng ứng. Phụ huynh thích dạy cho con mình những phép toán mới, nhưng lại không dạy con phải viết phép toán đó khoa học như thế nào? Họ bắt con học những thứ khoa học mới quên đi con mình cần phải học khoa học lịch sử, địa lí… Những điều đó sẽ làm cho thế hệ trẻ quên đi một nền văn hoá mà bấy lâu chúng ta gìn giữ.
Thời gian cứ thấm thoát trôi đi, con người tiếp xúc với nhiều thứ hiện đại như vi tính, máy in, quên đi mình phải rèn chữ, quên đi dân tộc mình đang có một nghệ thuật đấy là nghệ thuật Thư Pháp đang bị mai một. Không biết bao lâu, thứ mà ta vẫn hay gọi là “nghệ thuật Thư pháp” còn tồn tại trên mọi nẻo đường, góc phố của Việt Nam hay chỉ còn “hồn”, “vang bóng”, “dấu vết” là những gì đã từng có nhưng lại mất đi, mất đi mãi mãi như chưa hề tồn tại. ( Nguồn: Nguyễn Hạnh )
VUI LÒNG LIÊN HỆ HOẶC ĐỂ LẠI TIN NHẮN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN SỚM NHẤT.!
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.